Trang chủ » CÙNG CON BƯỚC QUA TUỔI DẬY THÌ

CÙNG CON BƯỚC QUA TUỔI DẬY THÌ

Tuổi thiếu niên là giai đoạn có nhiều biến đổi khi trẻ ở trong quá trình chuyển tiếp giữa “trẻ em” và “người lớn”, quá trình dậy thì trong giai đoạn nàytạo nên sự thay đổi cả về tâm sinh lý. Nhiều phụ huynh cảm thấy “bất lực” trước trẻ ở giai đoạn này. Vậy tuổi thiếu niên là tuổi nào? Trẻ phải đối mặt với những vấn đề gì? Làm thế nào để giúp trẻ bước qua tuổi dậy thì một cách “nhẹ nhàng”? Trong khuôn khổ bài viết này sẽ phần nào giúp các quý độc giả trả lời được những vấn đề trên.

Tuổi thiếu niên là giai đoạn tuổi từ 11, 12 đến 14, 15 tuổi và tương đương với bậc học trung học cơ sở. Giai đoạn này trẻ có những biến đổi tâm sinh lý mạnh mẽ như xuất hiện dấu hiệu sinh lý dậy thì, cơ thể phát triển tương đương người lớn. Mặt khác, đây là thời kỳ được phản ánh bằng những tên gọi có phần không mấy tích cực như: “thời kỳ quá độ“, “tuổi khó bảo“, “tuổi khủng hoảng “, “tuổi bất trị “…Tuy  nhiên, tất cả những thay đổi đó là do “thủ phạm” tâm sinh lý lứa tuổi tạo nên.

Có con lứa tuổi dậy thì cha mẹ thường thấy con có những vấn đề sau:

1.Giao tiếp với bạn bè nhiều hơn với người thân trong gia đình

Nhiều bậc cha mẹ lấy làm ngạc nhiên khi trẻ trở nên ít nói và khi giao tiếp với bố mẹ trẻ nói năng cộc lốc, thậm chí không buồn giao tiếp, trẻ không còn là đứa trẻ thích nói chuyện, “mè nheo” với bố mẹ như trước. Tuy nhiên, khi tìm hiểu trẻ trong nhóm bạn thì trẻ khác hẳn, trẻ hoạt bát, hăng hái và nói chuyện rất nhiều. 

Trong lứa tuổi thiếu niên, giao tiếp đóng một vai trò quan trọng trong sự hình thành và phát triển tâm lý của trẻ. Thông qua giao tiếp trẻ thấy mình trường thành hơn và cũng thông qua hoạt động giao tiếp giúp trẻ hình thành thế giới quan để đánh giá bản thân và đánh giá người khác.

 

Chính vì vậy, cha mẹ lưu ý trong giao tiếp với trẻ ở lứa tuổi thiếu niên: 

 

  • Giao tiếp bình đẳng với trẻ và tôn trọng tính độc lập, phản biện của trẻ.
  • Quan hệ giữa trẻ và người lớn có thể không có mâu thuẫn nếu quan hệ đó được xây dựng trên cơ sở tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau.
  •  Khi tiếp xúc với thiếu niên cần gương mẫu, khéo léo, tế nhị

Những khó khăn, mâu thuẫn có thể hạn chế hoặc không xảy ra nếu người lớn và các em xây dựng được mối quan hệ bạn bè, quan hệ có hình thức hợp tác trên cơ sở tôn trọng, thương yêu, tin cậy, bình đẳng và tế nhị trong cư xử với thiếu niên.

2. Trẻ có xu hướng tách khỏi cha mẹ

Nhiều phụ huynh chia sẻ trước kia con rất hay đòi đi cùng cha mẹ nhưng từ khi lên học THCS thì các bạn ấy không muốn đi cùng cha mẹ nữa. Nguyên nhân là do trẻ mong muốn được nhìn nhận, đánh giá như người  lớn nên các em có  xu hướng tách khỏi cha mẹ. Mặt khác, trẻ cũng có nhiều mối quan tâm như bạn bè ( cha mẹ lưu ý ở lứa tuổi này giao tiếp với bạn bè chiếm ưu thế nên đôi khi trẻ “lãng quên giao tiếp với cha mẹ”).

Đối với xu hướng tách khỏi cha mẹ thì cha mẹ cần có thái độ tôn trọng xu hướng này và chấp nhận như một bước trưởng thành của trẻ. Cha mẹ tránh thái độ nghi kị khi trẻ tách khỏi cha mẹ. Ví dụ, cha mẹ đi du lịch rủ con đi cùng nhưng con không muốn đi thì cha, mẹ nghĩ ngay con muốn ở nhà để điện thoại và tụ tập bạn bè. 

Cha mẹ cũng cần có niềm tin đối với trẻ và bạn bè của trẻ. Mặt khác, đồng hành phân tích cho trẻ biết đánh giá bạn bè tích cực và bạn bè chưa tích cực để trẻ có nhận thức đúng và có những người bạn đúng nghĩa.

3. Trẻ lứa tuổi thiếu niên bướng bỉnh hay tranh cãi

Nhiều cha mẹ kêu không hiểu tại sao trẻ tự dưng trở nên khó bảo, bướng bỉnh. Thậm chí, những việc đúng và có lợi cho sức khỏe của con như: trời lạnh yêu cầu trẻ mặc áo ấm nhưng trẻ vẫn bướng bỉnh nói là không lạnh và không mặc áo khoác cho dù rét căm căm.

Đối với biểu hiện này thì cha mẹ cần khuyến khích động viên trẻ và thừa nhận trẻ như một người lớn. Mặt khác, cũng cần lắng nghe các quan điểm của trẻ để có thái độ phù hợp, nên đồng hành với trẻ và định hướng thay vì áp đặt trẻ.

4. Tâm trạng thay đổi thất thường

Nhà tâm lí học Elena Gioioso ví tuổi thiếu niên như một xứ sở kì lạ: “Ở xứ sở này, khí hậu rất thất thường và kỳ quặc: khi thì nóng nực như vùng nhiệt đới, khi thì trở nên lạnh như băng. Xứ sở này có mùa xuân hoa nở ngát hương, có mùa thu lá vàng rụng tơi tả. Dân ở vùng này khi thì rất vui ồn ào, khi thì bỗng nhiên trầm ngâm, lặng lẽ. Trong xứ sở kì lạ này không có trẻ con và cũng không có người lớn”

Nguyên nhân của tâm trạng thất thường này là do quá trình hưng phấn chiếm ưu thế rõ rệt, dẫn đến thiếu niên không làm chủ được cảm xúc của mình, không kiềm chế được xúc động mạnh. Các em dễ bị kích động, dễ bực tức, cáu gắt, mất bình tĩnh…

Ở tuổi thiếu niên, phản xạ có điều kiện đối với những tín hiệu trực tiếp được hình thành nhanh hơn những phản xạ có điều kiện đối với những tính hiệu từ ngữ. Do vậy, ngôn ngữ của trẻ cũng thay đổi. Các em nói chậm hơn, hay “nhát gừng”, “cộc lốc”… Nhưng hiện tượng này chỉ tạm thời, khoảng 15 tuổi trở lên hiện tượng này cân đối hơn.

Chính vì những biến đổi sinh lý trên dẫn đến trạng thái “ẩm ương” của các em nên người lớn cần kiên nhẫn, thấu hiểu, lắng nghe, chia sẻ để các em có bạn đồng hành thì sẽ giúp các em vượt qua lứa tuổi dậy thì thuận lợi hơn.

5. Khó kiềm chế cảm xúc, hung hăng, hiếu thắng

Trẻ lứa tuổi thiếu niên thường muốn bộc lộ quan điểm, suy nghĩ hành động của bản thân nhưng do thiếu kinh nghiệm sống và đặc điểm tâm lý lứa tuổi khiến các em thường phản ứng gay gắt, bồng bột. Để giúp trẻ vượt qua giai đoạn này thì người lớn cần tạo niềm tin cho trẻ. Mặt khác cần kiềm chế cảm xúc của bản thân khi trẻ có những hành vi bột phát. Sau đó, cha mẹ sẽ chia sẻ để trẻ hiểu cảm xúc phản ứng chưa đúng.

Trên đây là một số biểu hiện tâm lý cơ bản lứa tuổi thiếu niên và các nguyên nhân cũng như cách thức cha mẹ giúp trẻ vượt qua lứa tuổi dậy thì. Hy vọng rằng cha mẹ không phải người “ứng phó” mà sẽ là người bạn “đồng hành” trong giai đoạn dậy thì của các con. 

0968056773
Chat Zalo