Phát triển chương trình giáo dục

Phát triển chương trình giáo dục là một quá trình liên tục nhằm hoàn thiện không ngừng chương trình giáo dục. Theo quan điểm này chương trình giáo dục là một thực thể không phải được thiết kế một lần và dùng cho mãi mãi, mà được phát triển, bổ sung, hoàn thiện tùy theo sự thay đổi của trình độ phát triển kinh tế – xã hội, của thành tựu khoa học – kỹ thuật và công nghệ, và cũng là theo yêu cầu của thị trường sử dụng lao động. Nói cách khác, một khi mục tiêu đào tạo của nền giáo dục quốc dân thay đổi để đáp ứng nhu cầu xã hội, thì chương trình giáo dục cũng phải thay đổi theo, mà đây lại là quá trình diễn ra liên tục nên chương trình giáo dục cũng phải được không ngừng phát triển và hoàn thiện.

Sau đây là 10 tiên đề mà các nhà phát triển chương trình giáo dục xem là tất yếu cần và có thể áp dụng cho ngành học “Phát triển chương trình giáo dục”

  • Thay đổi chương trình là cần thiết và không thể tránh được.
  • Chương trình là sản phẩm của thời đại.
  • Các thay đổi trong chương trình xảy ra ở giai đoạn đầu có thể cùng tồn tại và đan xen với những thay đổi ở giai đoạn sau.
  • Thay đổi chương trình xảy ra chỉ khi nào mà con người bị thay đổi.
  • Xây dựng chương trình là một hoạt động nhóm hợp tác.
  • Xây dựng chương trình về cơ bản là một quá trình chọn lựa giữa nhiều khả năng thay thế.
  • Xây dựng chương trình không bao giờ kết thúc.
  • Xây dựng chương trình sẽ hiệu quả hơn nếu như đó là một quá trình toàn diện, chứ không phải là quá trình từng phần.
  • Xây dựng chương trình sẽ hiệu quả hơn khi nó tuân theo một quá trình có hệ thống.
  • Xây dựng chương trình bắt đầu từ chương trình hiện hành.