Việc nuôi dạy con cái bao gồm hàng nghìn nhiệm vụ khác nhau chỉ trong một ngày. Mọi chuyện sẽ trở nên dễ dàng hơn nếu con bạn chỉ cần lắng nghe và làm theo đúng những gì bạn nói. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa cha mẹ và trẻ không dễ dàng như thế.
Rất nhiều lần, bạn nhắc nhở trẻ, nhưng các con không chú ý, hoặc phớt lờ những điều bạn nói, và điều này khiến mối quan hệ giữa cha mẹ và trẻ trở nên căng thẳng hơn. Bởi vậy, dưới đây là một số kỹ thuật về tâm lý sẽ giúp ích cho bạn trong việc kết nối với con, khiến con bạn dừng lại việc đang làm và thực sự lắng nghe bạn:
1. Kết nối trước, nói chuyện sau
Sự quan tâm của cha mẹ là một trong những phần thưởng có giá trị nhất trong cuộc đời của một đứa trẻ. Và những đứa trẻ lớn hơn cũng coi trọng điều đó (ngay cả khi chúng không thể hiện ra ngoài). Vì vậy, nếu bạn muốn con bạn lắng nghe, trước tiên hãy dành chút thời gian để kết nối với chúng. Điều này có thể có nghĩa là loại bỏ những điều gây xao lãng, hạ thấp tầm nhìn để kết nối với con và giao tiếp bằng mắt.
Thùy trán của trẻ, phần não chịu trách nhiệm về sự chú ý và tập trung, vẫn đang phát triển. Vì vậy, mặc dù có vẻ như con bạn đang cố tình phớt lờ bạn, nhưng con bạn thực sự cảm thấy khó tập trung vào một việc một lúc. Khi bạn đã nhìn vào mắt con và con đang nhìn lại bạn, bạn có thể truyền tải thông điệp muốn nói đến con.
2. Nhắc con xác nhận lại những gì đã được hướng dẫn
Yêu cầu trẻ lặp lại hướng dẫn là một cách tuyệt vời để xác nhận rằng trẻ đã hiểu thông điệp. Nó cũng giúp con bạn nhớ bất cứ điều gì con cần nhớ. Ví dụ, sau khi nói với con rằng chúng phải làm bài tập về nhà sau bữa tối, bạn có thể hỏi, “Vậy con phải làm gì sau bữa tối nhỉ?” Điều này không chỉ giúp bạn thấy được rằng: con bạn đã thực sự hiểu, mà còn giúp con bạn ghi nhớ nhiệm vụ của mình.
3. Đưa ra các mệnh lệnh dễ thực hiện
Những bậc cha mẹ hay ra lệnh, yêu cầu sẽ khó được trẻ lắng nghe. Trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ, khó có thể theo kịp nhiều hướng dẫn và thậm chí có thể bỏ cuộc ngay cả khi đang cố gắng. Bạn cần đảm bảo rằng: các yêu cầu của bạn đưa ra đều chính xác, ngắn gọn… và không nên yêu cầu quá nhiều. Việc lặp đi lặp lại các mệnh lệnh, đặc biệt nếu trẻ không nghe, khiến thông điệp mất đi tầm quan trọng của nó. Điều này cũng có thể khiến bạn rơi vào cái bẫy cằn nhằn – về cơ bản sẽ hình thành thói quen bạn bị trẻ phớt lờ.
4. Đưa ra lý do
Người lớn không thích bị yêu cầu làm điều gì đó mà không có lý do, và trẻ em cũng như vậy. Nếu bạn đang đưa ra một yêu cầu, hãy đưa ra một lý do hợp lý. Ví dụ, thay vì nói với con rằng: “Con phải rời nhà trước bữa trưa”, bạn có thể đề cập thêm rằng: đó là vì con sắp về nhà bà ngoại, bà đang nấu ăn và thức ăn sẽ nguội và mất ngon hơn nếu con đến muộn. .
5. Đưa ra hậu quả rõ ràng – và giữ cam kết
Nếu bạn yêu cầu con làm điều gì đó quan trọng, hãy nói rõ điều gì sẽ xảy ra nếu chúng không tuân thủ. Vạch ra phần thưởng hoặc hình phạt theo cách hợp lý. (Và, theo ghi nhận, phần thưởng có hiệu quả hơn nhiều trong việc sửa đổi hành vi của trẻ so với hình phạt). Một lần nữa, hãy xác nhận sự hiểu biết của trẻ bằng cách yêu cầu trẻ lặp lại các hậu quả sẽ xảy ra. Sau đó hãy chắc chắn giữ cam kết: thưởng hoặc phạt như những gì bạn đã nói.
Nếu bạn không thực hiện phần thưởng hoặc hình phạt, bạn đang gửi thông điệp tới con mình rằng chúng có thể làm bất cứ điều gì chúng thích – bởi vì điều đó sẽ không ảnh hưởng đến những gì xảy ra với chúng.
6. Đừng tức giận (dù điều này sẽ rất khó khăn)
Nếu bạn tức giận với một đứa trẻ không vâng lời, bạn có thể gặp nhiều rắc rối hơn bạn mong đợi. Trẻ nhỏ thường có xu hướng nhận thấy hầu như bất kỳ sự quan tâm nào của cha mẹ đều là điều đáng mong đợi, ngay cả khi cha mẹ đang tức giận với chúng. Nói cách khác, các con có thể thực sự vui thích khi bạn tức giận vì bạn đang tập trung sự quan tâm, chú ý cho con, điều đó cho thấy rằng bạn quan tâm. Điều này có nghĩa là chúng có thể bắt đầu cố tình thực hiện các hành vi nhằm kích động sự tức giận của cha mẹ.
Khi bạn mất bình tĩnh, bạn cũng đang vô tình hình thành một hành vi có thể quay lại gây tổn hại cho bạn. Cha mẹ là nguồn thông tin chính của trẻ về những cảm xúc cần thể hiện. Vì vậy, thông điệp mà con bạn có thể ngấm ngầm học được là: khi ai đó không cho tôi thứ tôi muốn, tôi nên tức giận với họ. Chuyện gì xảy ra tiếp theo? Sự tức giận đó bắt đầu quay trở lại với cha mẹ khi đứa trẻ không được chiều theo ý mình. Điều này có thể khiến cha mẹ và trẻ sẽ phải trải qua một giai đoạn tuổi vị vị thành niên đầy khó khăn, căng thẳng trong mối quan hệ gia đình.
Một chiến lược khôn ngoan hơn là bình tĩnh thực hiện bất kỳ hậu quả nào bạn đã nêu ở bước trước, nhưng theo cách không mang theo cảm xúc tiêu cực (ví dụ: Phạt trẻ nhưng không giận dữ). Điều này nghe có vẻ kỳ lạ và có thể cần sự luyện tập thực hành một chút nhưng kết quả mang lại rất xứng đáng.
Tuyển sinh khóa đào tạo “Tham vấn tâm lý cơ bản: Từ lý thuyết đến thực hành” (K06)
Thông báo Tuyển sinh Khóa tập huấn “Đánh giá & Can thiệp Rối loạn âm lời nói (SSD) ở trẻ: Từ lý thuyết đến thực hành
Ôm là một công cụ trị liệu vô cùng hiệu quả
???̂?? ??́? ????̉ ??̂̃ ??/? – ?/? ??̀ ???̂̃ ??̂̉ ??̀?? ??̛?̛??
Bạo lực học đường: Cần ngăn chặn bạo lực ngay từ khi bắt đầu